Dù đã tham gia nhiều cuộc phỏng vấn nhưng liệu bạn đã hiểu rõ về quá trình này và tầm quan trọng của phỏng vấn trong quy trình tuyển dụng của doanh nghiệp? Cùng OKVIP tìm hiểu tất tần tật về quá trình “phỏng vấn là gì?”, đồng thời “bỏ túi” kinh nghiệm phỏng vấn “auto đỗ” trong bài viết dưới đây nhé.
Phỏng vấn là gì?
Phỏng vấn là quá trình giao tiếp và trao đổi giữa nhà tuyển dụng và ứng viên nhằm tìm kiếm ứng viên phù hợp nhất với vị trí công việc cần tuyển. Phương pháp này cũng giúp nhà tuyển dụng hiện thực mục tiêu của buổi phỏng vấn là đánh giá khả năng và kinh nghiệm của ứng viên, đồng thời cho phép ứng viên có cơ hội thể hiện bản thân và apply thành công vào vị trí việc làm mà họ mong muốn.
Các dạng phỏng vấn xin việc
Trong phần trên OKVIP đã chia sẻ đến bạn về khái niệm “phỏng vấn là gì?” thì dưới đây là một số hình thức phỏng vấn phổ biến đang được các doanh nghiệp áp dụng trong quy trình tuyển dụng.
Hình thức phỏng vấn qua điện thoại
Ở hình thức phỏng vấn này, ứng viên và nhà tuyển dụng sẽ sử dụng điện thoại để trao đổi thông tin và đánh giá khả năng của ứng viên. Thông thường, phỏng vấn qua điện thoại được sử dụng như một bước đầu tiên trong quá trình tuyển dụng, trước khi chuyển sang phỏng vấn trực tiếp hoặc phỏng vấn trực tuyến.
Ở vòng phỏng vấn qua điện thoại, nhà tuyển dụng sẽ thông báo thời gian và ngày hẹn phỏng vấn cho ứng viên, sau đó sẽ gọi điện đến ứng viên vào thời điểm hẹn.
Trong quá trình phỏng vấn, nhà tuyển dụng sẽ đặt câu hỏi để tìm hiểu thêm về kinh nghiệm làm việc và năng lực của ứng viên. Bên cạnh đó, ứng viên cũng có thể đặt câu hỏi để hiểu rõ hơn về công ty và vị trí việc làm.
Ưu điểm của hình thức này có thể kể đến như tiết kiệm thời gian, tiện lợi và linh hoạt, đặc biệt là khi ứng viên ở xa hoặc không có thời gian đi lại. Tuy nhiên, nó cũng tồn tại một số điểm hạn chế như không thể tạo ra một môi trường phỏng vấn hoàn hảo và không thể đánh giá được cử chỉ hay thái độ của ứng viên.
Hình thức phỏng vấn hành vi
Phỏng vấn hành vi (behavioral interview) là một phương pháp phỏng vấn tuyển dụng phổ biến được sử dụng để đánh giá kỹ năng và năng lực của ứng viên dựa trên các kinh nghiệm làm việc trong quá khứ của họ.
Ở hình thức phỏng vấn này, nhà tuyển dụng sẽ đặt các câu hỏi về các tình huống và kinh nghiệm mà ứng viên đã từng đối mặt trong công việc trước đây. Thông thường, các câu hỏi sẽ bắt đầu bằng cụm “Hãy kể cho chúng tôi nghe về một lần bạn đã…” và sau đó yêu cầu ứng viên mô tả chi tiết về tình huống đó, các hành động của họ và kết quả của tình huống đó.
Ưu điểm của phương pháp này giúp nhà tuyển dụng đánh giá khả năng giải quyết vấn đề, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng giao tiếp và các kỹ năng khác của ứng viên trong một môi trường làm việc thực tế. Đồng thời giảm thiểu các thông tin chủ quan và đánh giá dựa trên cảm tính trong quá trình tuyển dụng.
Mặc dù vậy, không thể đánh giá được khả năng của ứng viên trong các tình huống mới và không thể đánh giá được các kỹ năng mềm của ứng viên được xem là những hạn chế mà hình thức này mắc phải.
Hình thức phỏng vấn hội đồng
Phương pháp phỏng vấn hội đồng là hình thức phỏng vấn mà người phỏng vấn là một nhóm các thành viên thay phiên nhau đặt các câu hỏi khác nhau cho ứng viên. Mục đích của phỏng vấn hội đồng là để đánh giá ứng viên một cách toàn diện, đa chiều và chính xác.
Hội đồng phỏng vấn thường bao gồm các thành viên đến từ các phòng ban khác nhau, hợp tác với nhau để đưa ra đánh giá khách quan nhất về ứng viên.
Phương pháp này giúp cho nhà tuyển dụng có thể đánh giá tổng thể về ứng viên, cũng như đánh giá xem cách làm việc của ứng viên có phù hợp với môi trường và đại bộ phận công ty hay không.
Hình thức phỏng vấn tình huống
Đây là một dạng phỏng vấn hết sức phổ biến trong quy trình phỏng vấn của một doanh nghiệp. Theo đó, ứng viên sẽ được đưa vào các tình huống công việc cụ thể và được yêu cầu giải quyết những tình huống đó một cách logic và hiệu quả.
Mục đích của phỏng vấn tình huống là để đánh giá khả năng giải quyết vấn đề và tư duy logic của ứng viên, đồng thời xác định khả năng ứng biến, đưa ra quyết định và xử lý tình huống nhanh chóng và hiệu quả.
Trong quá trình phỏng vấn tình huống, người phỏng vấn sẽ đưa ra các câu hỏi liên quan đến tình huống cụ thể và yêu cầu ứng viên đưa ra giải pháp tối ưu nhất để giải quyết vấn đề đó.
Việc đánh giá ứng viên dựa trên khả năng giải quyết tình huống không chỉ giúp nhà tuyển dụng tìm ra những ứng viên có kỹ năng giải quyết vấn đề tốt mà còn giúp họ đánh giá tính cách và kinh nghiệm làm việc của ứng viên.
Phỏng vấn theo hình thức nói chuyện
Có thể nói, phỏng vấn theo hình thức nói chuyện cũng là một trong những phương pháp phổ biến trong quy trình tuyển dụng của các doanh nghiệp. Các ứng viên sẽ được người phỏng vấn đặt câu hỏi và yêu cầu trả lời một cách tự do và chi tiết.
Mục đích của phỏng vấn theo hình thức nói chuyện là để đánh giá kỹ năng giao tiếp và trình bày của ứng viên, đồng thời tìm hiểu về kinh nghiệm làm việc, quan điểm và giá trị cá nhân của ứng viên.
Trong quá trình phỏng vấn, người phỏng vấn sẽ đặt ra các câu hỏi liên quan đến kinh nghiệm làm việc, kỹ năng, mục tiêu nghề nghiệp và các câu hỏi khác để hiểu rõ hơn về ứng viên.
Phương pháp này giúp nhà tuyển dụng có thể đánh giá được năng lực và khả năng phát triển của ứng viên trong công việc, từ đó đưa ra quyết định chọn lựa ứng viên phù hợp nhất với vị trí công việc cần tuyển dụng.
Hình thức phỏng vấn gây áp lực
Hình thức phỏng vấn gây áp lực hay pressure interview là một phương pháp phỏng vấn khá đặc biệt, trong đó người phỏng vấn sẽ đặt ra các câu hỏi “khó nhằn” và đôi khi áp đặt để đánh giá khả năng chịu áp lực và xử lý tình huống của ứng viên.
Trong hình thức phỏng vấn này, nhà tuyển dụng sẽ tạo ra một tình huống gây áp lực cho ứng viên, có thể bằng cách đặt ra các câu hỏi khó, yêu cầu trả lời nhanh hoặc bằng cách thái độ của người phỏng vấn. Mục đích của phương pháp này là để kiểm tra khả năng chịu áp lực, tư duy logic, khả năng xử lý tình huống của ứng viên.
Tuy nhiên, hình thức phỏng vấn gây áp lực cũng có thể gây ra những tác động tiêu cực, như làm ảnh hưởng đến tâm lý của ứng viên, khiến họ cảm thấy lo lắng, bất an, không tự tin trong quá trình phỏng vấn. Do đó, doanh nghiệp cần có sự cân nhắc khi áp dụng và sử dụng đúng mức để đánh giá khả năng của ứng viên mà không gây tổn thương tâm lý cho họ.
Hình thức phỏng vấn nhóm (Phỏng vấn tập thể)
Ở hình thức phỏng vấn này, một nhóm ứng viên sẽ được mời đến cùng một buổi phỏng vấn và được đưa vào một phòng để trả lời các câu hỏi từ nhà tuyển dụng.
Mục đích của phỏng vấn nhóm là để tiết kiệm thời gian và năng lực của nhà tuyển dụng. Thay vì phải phỏng vấn từng ứng viên một, nhà tuyển dụng có thể đánh giá một lượng lớn ứng viên cùng lúc. Ngoài ra, phỏng vấn nhóm còn giúp nhà tuyển dụng đánh giá khả năng làm việc nhóm của ứng viên, khả năng giao tiếp và trình bày ý tưởng.
Tuy nhiên, phỏng vấn nhóm cũng có thể gây ra một số khó khăn, như làm ảnh hưởng đến tính cá nhân và sự tự tin của ứng viên. Để giải quyết vấn đề này, nhà tuyển dụng có thể tạo ra một môi trường thoải mái và đảm bảo sự công bằng trong quá trình phỏng vấn, đánh giá từng ứng viên dựa trên khả năng và kinh nghiệm của họ.
Quy trình của một buổi phỏng vấn xin việc
Thông thường, quy trình một buổi phỏng vấn xin việc sẽ có các phần sau:
- Bước 1 – Tiếp đón và giới thiệu: Nhà tuyển dụng sẽ tiếp đón ứng viên và giới thiệu về công ty, vị trí công việc và các yêu cầu công việc.
- Bước 2 – Giới thiệu ứng viên: Ứng viên sẽ được yêu cầu giới thiệu bản thân và kinh nghiệm làm việc của mình.
- Bước 3 – Phần trả lời câu hỏi: Nhà tuyển dụng sẽ đặt ra các câu hỏi để đánh giá kinh nghiệm, kỹ năng và năng lực của ứng viên. Ứng viên cần trả lời các câu hỏi một cách trung thực và chính xác.
- Bước 4 – Giải đáp thắc mắc: Ứng viên có thể đặt câu hỏi hoặc giải đáp các thắc mắc liên quan đến công việc, môi trường làm việc và các chính sách của công ty.
- Bước 5 – Kết thúc phỏng vấn: Nhà tuyển dụng sẽ thông báo về quy trình tiếp theo và thời gian thông báo kết quả cho ứng viên.
- Bước 6 – Follow-up: Sau buổi phỏng vấn, ứng viên nên gửi một email cảm ơn nhà tuyển dụng vì đã dành thời gian phỏng vấn và biểu đạt sự quan tâm đến vị trí công việc.
Quy trình phỏng vấn cụ thể tại từng doanh nghiệp hoặc vị trí công việc có thể khác nhau. Tuy nhiên, các bước trên thường là những bước cơ bản trong một buổi phỏng vấn xin việc.
Yêu cầu khi tham gia một buổi phỏng vấn
Trước khi tham gia một buổi phỏng vấn nhà tuyển dụng và ứng viên cần phải chuẩn bị gì? Cùng tìm hiểu ngay trong phần dưới đây nhé.
Đối với ứng viên
Trước hết, đối với ứng viên, khi tham gia một buổi phỏng vấn bạn cần nhớ một vài điều như dưới đây:
- Có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi tham gia phỏng vấn bằng việc tìm hiểu kỹ càng thông tin về vị trí công việc, văn hóa doanh nghiệp hay các câu hỏi phỏng vấn thường gặp.
- Phản xạ nhanh với tình huống được đặt ra nhưng vẫn thể thể hiện được sự bình tĩnh cùng kỹ năng phân tích nhạy bén.
- Tự tin là cần thiết, bạn nên tránh việc quá tự tin về kinh nghiệm, năng lực của bản thân và giữ sự trung thực khi cung cấp thông tin.
- Trả lời các câu hỏi phỏng vấn đúng trọng tâm, tránh trả lời lan man, dài dòng.
- Bạn có quyền trả lời hoặc không trả lời câu hỏi và nên trả lời một cách lịch sự nếu quyết định không trả lời.
Đối với nhà tuyển dụng
Đối với nhà tuyển dụng, để có một buổi phỏng vấn suôn sẻ, và tìm kiếm thành công một ứng viên tiềm năng cho doanh nghiệp cần lưu ý một số điểm như:
- Phân loại những CV phù hợp nhất với vị trí tuyển dụng, tìm hiểu để nắm bắt các thông tin cơ bản về ứng viên.
- Luôn tôn trọng ý kiến và lắng nghe phản hồi của ứng viên.
- Hạn chế đặt các câu hỏi quá chung chung hoặc câu hỏi mang tính thách thức cao.
- Đánh giá ứng viên một cách khách quan nhất dựa trên những mục tiêu tuyển dụng được đặt ra.
Bí quyết vượt qua buổi phỏng vấn dành cho ứng viên
Nếu bạn chuẩn bị bước vào một buổi phỏng vấn thì đừng quên bỏ túi ngay những kinh nghiệm phỏng vấn “bao đậu” dưới đây nhé.
- Tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp và vai trò của bạn trong đó: Trước khi đến phỏng vấn, hãy tìm hiểu về công ty và công việc mà bạn đang ứng tuyển. Thông tin này giúp bạn tự tin hơn khi trả lời các câu hỏi của nhà tuyển dụng.
- Chuẩn bị câu trả lời cho những câu hỏi thường gặp: Trong cuộc phỏng vấn, bạn có thể được hỏi các câu hỏi quen thuộc như “Hãy giới thiệu về bản thân bạn?” hoặc “Tại sao bạn muốn làm việc ở doanh nghiệp chúng tôi?” Hãy chuẩn bị trước câu trả lời cho các câu hỏi này để có thể trả lời một cách tự tin và suôn sẻ nhé.
- Giải thích kinh nghiệm và kỹ năng của bạn: Đưa ra ví dụ cụ thể về kinh nghiệm và kỹ năng của bạn. Hãy chia sẻ những dự án đã hoàn thành hoặc những khó khăn mà bạn đã vượt qua.
- Thể hiện sự quan tâm: Hãy thể hiện sự quan tâm đến công ty và vị trí tuyển dụng. Hỏi về công việc và những thách thức mà bạn sẽ gặp phải khi tham gia vào vị trí này.
- Tự tin và chuyên nghiệp: Hãy đến phỏng vấn với tư thế tự tin và chuyên nghiệp. Hãy cười và nói chuyện với nhà tuyển dụng một cách tự nhiên và thân thiện
- Làm sáng tỏ bất kỳ điểm yếu nào: Nếu bạn có điểm yếu trong quá trình phỏng vấn, hãy giải thích rõ ràng về chúng và chia sẻ cách bạn đang cố gắng để cải thiện nó.
- Cảm ơn nhà tuyển dụng sau khi kết thúc phỏng vấn: Sau khi phỏng vấn, hãy gửi một email cảm ơn đến nhà tuyển dụng khi đã tạo cơ hội để hai bên có thể trao đổi chi tiết về công việc, cũng như thể cho họ biết rằng bạn quan tâm đến công việc như thế nào.
Tạm kết
Hy vọng rằng, khi đọc đến đây bạn đã hiểu hơn về khái niệm “phỏng vấn là gì?”, cũng như ý nghĩa và vai trò của phỏng vấn trong doanh nghiệp. Đồng thời, OKVIP mong rằng những kinh nghiệm phỏng vấn “bao đậu” được đề cập đến trong bài sẽ giúp bạn chinh phục nhà tuyển dụng một cách thuận lợi hơn.
Nếu bạn có thêm bất kỳ đóng góp nào về chủ đề này, đừng ngần ngại để lại bình luận để OKVIP và mọi người cùng biết nhé.